Ngọc Lan/Người Việt

HUNTINGTON BEACH, California (NV) – Ca khúc “Lệ Ðá” của nhạc sĩ Trần Thịnh qua giọng ca trầm ấm của ca sĩ Quang Tuấn mở màn cho chương trình đêm nhạc thính phòng “Cho Bé Nghèo Ði Học” do Tăng Thân Xóm Dừa tổ chức vào tối Thứ Bảy, 25 Tháng Năm, thật sự cuốn hút người nghe ngay từ những phút đầu tiên.

Trần Thu Hà và Quang Tuấn trong đêm nhạc thính phòng “Cho Bé Nghèo Ði Học”

của nhóm Tăng Thân Xóm Dừa. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Hội trường Trung Tâm Sangha, Huntington Beach, không quá lớn, chỉ độ 400 chỗ ngồi. Và có người phải đứng. Bởi lẽ, không ai muốn bỏ qua một đêm nhạc như thế, khi xuyên suốt chương trình kéo dài hơn 4 giờ đồng hồ người ta có thể thả hồn trong giọng hát như có ma lực, trầm ấm, quyến rũ của Quang Tuấn, giọng vút cao, thênh thang, lơi lả của Trần Thu Hà và tiếng đàn piano của Hoàng Công Luận, người nghệ sĩ hòa âm phối khí được yêu thích rất nhiều hiện nay. ***
Nếu Trần Thu Hà và Hoàng Công Luận đã bền bỉ gắn bó cùng chương trình “Cho Bé Nghèo Ði Học” của Tăng Thân Xóm Dừa từ 6 năm qua, thì với Quang Tuấn, đây là lần đầu tiên anh có mặt trong đêm nhạc mang ý nghĩa từ thiện này.
Nhiều người biết Quang Tuấn từ những ngày đầu tiên anh mới xuất hiện trên sân khấu ca nhạc chuyên nghiệp 1992-1993 với những tình khúc của Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An… Nhưng trong đêm qua, có người tiếng người thì thầm từ phía khán giả, “Lần đầu tiên mới nghe Quang Tuấn hát.” Nhưng dẫu là lần đầu hay đã nghe bền bỉ gần 20 năm nay, không ai có thể phủ nhận, “Giọng Quang Tuấn hay quá!”
Quang Tuấn có chất giọng trầm sâu của một người nghiện thuốc lá, có sự khắc khoải, đa mang, đủ để diễn tả thành công những tình khúc bất hủ của Vũ Thành An, của Từ Công Phụng, của Trịnh Công Sơn. Nhưng điều lạ là, bàng bạc trong nỗi sâu lắng da diết đó, người nghe vẫn nhận ra có một điều gì rất giản dị, chân thành, và hơn hết, một sự bình yên, không ủy mị.
Như Quang Tuấn tâm sự trên sân khấu, anh “chưa học qua trường lớp dạy nhạc nào chính thức, chỉ có học qua vài lớp thanh nhạc, học qua guitar classic” từ khi còn ở Việt Nam, và “trong tâm Quang Tuấn, không bao giờ nghĩ đến chuyện mình sẽ là một ca sĩ, không nghĩ đến ngày mình sẽ đứng trên sân khấu với các lớp ca sĩ đàn anh đàn chị”.
Thế nhưng, từ sự dung rủi tình cờ, đi thi hát theo lời bè bạn, Quang Tuấn đậu giải nhất trong cuộc thi tuyển lựa Giọng Ca Vàng năm 1992 do ca sĩ Duy Khánh tổ chức tại vũ trường Diamond. Anh được trung tâm Làng Văn ký hợp đồng ngay lập tức.
Và năm sau, 1993, trước khi đạt giải nhì tại cuộc thi hát “lớn chưa từng có” tổ chức ở vũ trường Ritz, Quang Tuấn lại được “ông bầu” Ngọc Chánh ký hợp đồng hát hai năm ngay tại vũ trường.
Cứ thế, từng bước Quang Tuấn khẳng định được giọng hát của mình trong lòng khán giả mộ điệu.
Thành công bao năm qua với các thể loại nhạc tình ca-thính phòng, nhưng Quang Tuấn lại đang ấp ủ một dự định “táo bạo”.
Ðó là, “Trong tương lai sắp tới, dù chưa biết tương lai sẽ đi về đâu, Quang Tuấn dự trù sẽ làm CD nhưng không làm CD tình ca nữa. Quang Tuấn đã tham gia tu thiền hơn 15 năm theo trường phái thiền Làng Mai của Sư Ông Nhất Hạnh. Nên Quang Tuấn sẽ làm một cuốn CD Phật Giáo mà Tuấn coi đó là một kho tàng văn hóa của dân tộc.”
Trả lời câu hỏi của phóng viên nhật báo Người Việt là “Liệu sự chuyển hướng đó có mạo hiểm quá không? Có đưa khán giả đến với sự ngỡ ngàng không?” Người ca sĩ được xem là “rất khó tính” trong nghề nghiệp này cho rằng, “Ðiều này Quang Tuấn chưa biết. Nhưng dù mạo hiểm hay không mạo hiểm đôi lúc mình làm mình không nghĩ cho mình mà nghĩ cho nền âm nhạc phải có gì bền vững, phải có một gia tài để lại cho các em sau này để họ biết đó là cái gì.”
“Hơn nữa bây giờ máu mình còn đang hăng say, mà không làm, đến 10 năm sau Tuấn già, Tuấn hát không nổi thì còn làm được cái gì nữa. Chuyển hướng để làm một điều gì mới hơn, khai thác kho tàng văn hóa của Phật Giáo. Tuấn muốn làm điều đó.” Anh trả lời, như một kiểu vắt lòng, khi đứng một mình ngoài sân châm thuốc hút, trước khi chuẩn bị bước vào phần hai của đêm để khán giả tiếp tục được thả hồn chơi vơi trong giọng ca Quang Tuấn.
***
Ngược hẳn với sự ấm trầm, đĩnh đạc của Quang Tuấn là một Trần Thu Hà bé nhỏ, nhưng giọng hát càng lúc như càng dày dạn và phiêu lãng hơn.
Nghe Trần Thu Hát, nhìn Trần Thu Hà diễn, người xem có cảm giác như mình đang thoát ra khỏi sự tù túng, bó buộc xung quanh. Một điều gì đó như cứ muốn làm mình phải vùng vẫy, cựa quậy.
Trần Thu Hà có thể làm người nghe chìm trong cảm giác phiêu bồng của một mối tình buồn lãng mạn như “Ngậm Ngùi” của Phạm Duy, khi Hà ngân nga câu hát “Tay anh em hãy tựa đầu/cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi” như một kiểu ca trù. Trần Thu Hà lại cũng có thể làm nhiều người đỏ hoe mắt, hay nước mắt lăn dài khi nghe cô thổn thức trong bài “Mẹ Tôi” của nhạc sĩ Trần Tiến.
“Trèo lên dãy núi thiên thai, ới a mẹ tôi trông áng mây ngàn
Mẹ ơi hãy dắt con theo ới a để con mãi mãi bên mẹ
Mẹ ơi thế giới mênh mông, mênh mông không bằng nhà mình
Dù cho phú quý vinh quang, vinh quang không bằng có mẹ.”
Như Hà nói, “Sau bao năm rồi, đặc biệt là từ khi có con, Hà mới cảm thấy mình có đủ bình tĩnh để cảm nhận và hát cho thật tròn trịa bài hát này. Chứ không như chú Trần Tiến cứ mỗi lần hát là mỗi lần mếu máo.” Vâng, Hà hát thật trọn vẹn bài hát, không hề mếu máo, bởi nhiều khán giả đã làm thay Hà việc đó.
Cái hay của người ca sĩ có vóc dáng nhỏ nhắn này còn là ở chỗ cô luôn vượt lên, và thoát khỏi những khuôn mẫu của chính mình.
Bài hát “Sắc Màu” mà Hà thể hiện với sự hòa âm mới chính là một minh chứng cho điều đó. Một điều gì rộn rã, trong trẻo và tự tại hơn cho tâm trạng của một người như từ cõi chết trở về, sau một cơn bạo bệnh.
Bên cạnh đó, Hà đẹp. Càng lúc Trần Thu Hà càng đẹp hơn, xinh hơn trong sự điềm tĩnh của một người phụ nữ đã làm mẹ.
***
Góp phần làm thăng hoa cho hai giọng hát Quang Tuấn và Trần Thu Hà trong đêm nhạc thính phòng “Cho Bé Nghèo Ði Học” không ai khác hơn là nghệ sĩ Hoàng Công Luận. Tự lúc nào, cái tên Hoàng Công Luận xuất hiện trên những poster của các chương trình ca nhạc đã như dấu ấn đóng thêm vào lời khẳng định mức độ thành công của chương trình.

Hoàng Công Luận với tiếng đàn dương cầm điêu luyện. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Và, đang có nhiều người đến với sân khấu ca nhạc tại Orange County hiện nay chỉ cốt được nghe tiếng đàn violin hay dương cầm, chỉ cốt được nhìn thấy hình ảnh người nghệ sĩ có gương mặt thật sáng, thật thánh thiện, thật say sưa bên những nhạc cụ mà anh sử dụng. Ðó là Hoàng Công Luận.
Giọng hát Trần Thu Hà, Quang Tuấn và tiếng đàn của Hoàng Công Luận khiến đêm xuống bên ngoài hội trường Sangha trở nên huyền hoặc hơn rất nhiều. Dĩ nhiên, họ cũng đã có được những khán giả quá tuyệt vời.