http://nguoivietblog.com/ngoclan/?p=1732

Chiều Chủ Nhật, tôi bước vào Saigon Performing Art Center khi nghe anh Dzũng Taylor, chồng ca sĩ Thu Phương, ngồi phía ngoài nhà hát, nói, “Gần nửa chương trình rồi NL!”

Ừm, ngày cuối tuần có quá nhiều công chuyện để làm. Nếu không vì “lỡ cầm” lấy vé rồi thì có lẽ tôi chọn chuyện ở nhà để tịnh dưỡng hơn là rửa mặt, thay quần áo tươm tất và lái xe đi xem hát.

Tôi đến rạp làm khán giả của một chương trình nhạc mà tôi chưa từng một lần nghe nhắc đến tên ông thì đừng nói chi rằng tôi biết được một ca khúc nào của ông, nhạc sĩ Đăng Khánh, trước đó.

Rất thản nhiên, thực ra rất miễn cưỡng thì đúng hơn (xin lỗi người đã đưa vé :p) tôi đẩy cửa vào nhà hát.

Cặp mắt vừa kịp làm quen với bóng tối, cũng là lúc tôi nhận ra hình như không còn một ghế trống! (ngoài 2 ghế tôi đang giữ vé trong tay, mà chắc cũng có vài người cũng như tôi.)

Khán phòng im phăng phắc, trên sân khấu Tuấn Ngọc sắp kết thúc bài hát của mình. Một người đàn ông đứng gần ngay cửa chờ Tuấn Ngọc chào khán giả bước vào trong, mới đi lên tìm chỗ ngồi của mình. Bao nhiêu đó, ngay lập tức cho tôi hiểu: “đây là chương trình thứ ‘thứ dữ’” Cũng chính vì thế, tôi đành phải đứng luôn nơi cuối khán phòng xem chứ không dám đi lên phía trên tìm ghế của mình, sợ làm ảnh hưởng đến không khí đang có.

Tôi bắt đầu làm quen với nhạc Đăng Khánh qua bài hát đầu tiên của Trần Thu Hà, “Đêm trăng khuya.” Một cảm giác gì thật lạ. Một cái gì đó xốn xang.

Chưa kịp định thần cảm xúc đó là gì thì bài hát tiếp theo “Đừng gọi tên em nữa” (thơ Nguyễn Hữu Nghĩa) khiến tôi thấy cả người mình như nổi gai, và muốn khóc. Trời ạ!  Lời hay. Nhạc hay. Và giọng hát của Trần Thu Hà, không thể đòi hỏi hơn được nữa.

Đừng gọi tên em nữa! Đừng gọi tên em nữa/Kệ em khóc lẻ loi/Chiều ơi muộn lắm rồi/ Đừng gọi tên em nữa! lòng người như giông tố/ bóng đêm vẫn buông dài/ hắc hiu mưa bên ngoài/Xóa đi bao ưu hoài/Đừng gợi nữa tình ơi…..

Tôi cảm thấy mình như muốn quỵ xuống luôn khi Trần Thư Hà dứt câu “Đừng gợi nữa tình ơi…”

Nhạc Đăng Khánh hút hồn tôi rồi.

Một điều gì đó đau đớn, vỡ òa, tức tưởi. Bài thơ của Nguyễn Hữu Nghĩa kết thúc bằng câu “Đừng gọi tên em nữa /Bóng đêm vẫn buông dài/ Tiếng thạch sùng tiếc nuối/ Em oà khóc… anh ơi!!!” nhưng hình như tôi chỉ thấy mắt mình cay khi cái buông lơi giọng của người ca sĩ mang đến cho tôi quá nhiều cảm xúc, hơn là tôi nghĩ.

Tiếng vỗ tay dường như không dứt kéo mọi người về với thực tại. Giờ nghĩ giải lao cũng điểm.

Tôi nghe đâu đó tiếng những người xem, như tôi, nói với nhau, “Trần Thu Hà quá tuyệt vời!” và nói với vợ nhạc sĩ Đăng Khánh, “Ổng viết nhạc gì mà hay dữ vậy! Không ngờ!”

Tôi ngồi một mình, không bị chi phối bởi người bên cạnh (vì không quen :p), và cứ thế, thả hồn lên sân khấu xem tiếp phần hai. Những bản nhạc lần đầu tiên trong đời được nghe. Mà lại không thấy lạ. Chỉ thấy có gì như rưng rứt, như chùng chình, như nhớ nhung, nhiều thứ.

Bích Vân, Tuấn Ngọc, Thu Phương, Nguyên Khang, và Trần Thu Hà, mỗi người một nét, phả thêm hồn vào những ca khúc của Đăng Khánh. Có bài ông viết cả nhạc lẫn lời. Có bài ông phổ thơ, trong đó có thơ Du Tử Lê, cũng một loại thơ không khiến người ta nhớ liền sau khi lướt mắt qua.

Người ta nói nhạc ông “sang cả.” Hình như là vậy, bởi nó sẽ không thể là phổ thông. Nó sẽ kén người nghe. Kén cả người hát.

Bước ra khỏi sân khấu, kêu tôi nhẩm lại một giai điệu nào đó các nhạc phẩm vừa nghe, tôi không thể làm được. Nhưng tôi biết, mình sẽ phải tìm cho bằng được, để nghe lại những gì tôi đã nghe qua. Như tôi mê mải cả buổi chiều nay, nghe lại “Niềm nhớ thương,” “Đừng gọi tên em nữa”, “Biển sầu mênh mông, “Sài Gòn buốn cho riêng ai?” “Giấc mơ đời tôi” “Mắt em vương giọt sầu” “Lệ buồn nhớ mi”, “Tiễn em chiều mưa”…. lại chông chênh trong lòng mình những hoài niệm, những yêu thương, những nhung nhớ…

Tôi nghe nhiều lần “Niềm nhớ thương” (chứ không phải Niềm Thương Nhớ mà Ngọc Lan vẫn thường hát), tuy giọng hát tìm được trên net không vừa ý tôi, nó không làm tôi chìm đắm trong những suy tưởng, không cho tôi cái cảm giác phiêu diêu, lâng lâng như khi tôi nghe Thu Phương hát trên sân khấu, nhưng nghe đỡ vậy, trước khi tìm mua đĩa.

Tôi thích cách MC Vĩnh Lạc giải thích xuất xứ câu hát “Từ vương kính em vô hình/Tàn xiêm áo nay vô tình” lấy từ ý thơ “Đập cổ kính ra tìm lấy bóng/ Xếp tàn y lại để dành hơi” mà Tự Đức làm để khóc Bàng Phi.

Tôi sẽ hát được bài này, tôi chắc là như vậy, vì đó là nhạc điệu dễ nhất trong các ca khúc của Đăng Khánh mà tôi đã nghe tối qua, Tango, duy nhất.

Còn lại, tôi sẽ nghe. Bởi không, sẽ là tiếc lắm lắm.

Cám ơn người đã cho tôi vé đi xem tình ca Đăng Khánh, thật nhiều.

***

Nghe “Giấc mơ đời tôi” trước đi

 

yêu em anh yêu dáng em trong sương chiều

thương em anh thương bước chân đi trong tịch liêu

chiều nay mây xám mắt xanh quên đời

bàn tay anh đã van người

cho mắt thôi xa xôi, cho nét son trên môi

làm giấc mơ đời tôi