Theo Việt Báo  – Phóng Viên Dạ Hương
Có lẽ đối với khán giả và thân hữu ở San Diego thì nhạc sĩ Hoàng Công Luận không còn là một cái tên xa lạ vì anh đã cùng ca sĩ Thương Linh xuất hiện một vài lần trên chương trình của đài VNTV ở San Diego và gần đây nhất là đêm nhạc thính phòng Thanh Âm Mùa Hạ hôm 23 tháng 8 vừa qua.
Tôi được may mắn tham dự đêm nhạc Thanh Âm Mùa Hạ và rất thích thú cũng như cảm phục tài năng của Hoàng Công Luận. Tôi lại càng tò mò khi nghe nhiều bạn bè trong giới sành điệu cho biết về chương trình nhạc chủ đề Autumn Concert – Đêm Thu. Được biết đây là lần đầu tiên anh Hoàng Công Luận cùng nhóm ca nhạc sĩ thân hữu tổ chức tại San Diego chương trình ca nhạc với nội dung mới lạ, phong phú và điạ điểm tổ chức sang trọng nên tôi nhất định phải tìm đến để phỏng vấn Hoàng Công Luận và tìm hiểu thêm về người nhạc sĩ trẻ này.
Dạ Hương: Khi Hoàng Công Luận xuất hiện lần đầu với các thân hữu của VNTV hôm 23 tháng 8 vừa qua tại San Diego, Hoàng Công Luận có cảm xúc gì trong một khung cảnh rất khác với sân khấu mà anh thường trình diễn trong những năm tháng qua?
HCL: Nhân dịp này Luận cũng xin được gửi lời cám ơn đến chị Vân Anh, anh Trần Hùng Tiết cùng các nhân viên và thân hữu của VNTV đã đón nhận Luận và Thương Linh rất nồng nhiệt và ưu ái. Thú thật, khi xuất hiện trong một không khí rất ấm cúng và trình diễn theo thể loại nhạc thính phòng, Luận cảm thấy rất thoải mái và tự nhiên. Không khí thân mật đó làm cho Luận hứng khởi và tự tin gửi gấm những nhạc phẩm Luận sáng tác đến khách tham dự. Mỗi khi đến trình diễn một thành phố ngoài nơi Luận cư ngụ, Luận vui vì có cơ hội làm quen và kết nối với thính giả của thành phố đó qua âm nhạc. Luận chỉ mong là khi mình rời khỏi San Diego, Luận đã để lại cho khán giả một ấn tượng tốt về lối trình diễn cũng
như những giòng nhạc của Luận.
Dạ Hương: Hoàng Công Luận có thấy con đường âm nhạc mà anh chọn để đeo đuổi đòi hỏi người nghe có một thẩm âm và sở trường khác biệt với những nhạc Việt thịnh hành ở hải ngoại nói riêng và tại Việt Nam nói chung?

DSC07171_luan_conductingHCL: Thưa chị, âm nhạc rất phong phú cũng như văn chương vậy. Mỗi tác giả, thi sĩ khi viết đều có ngôn ngữ, văn phong riêng của mình. Và thể loại thì cũng chia ra nhiều loại như hư cấu, trinh thám, mạo hiểm, tự truyện hay tuỳ bút v..v… Âm nhạc cũng vậy, có nhiều trường phái và thể loại. Luận thấy mỗi trường phái, thể loại đều có những đặc điểm riêng biệt. Luận theo học nhạc cổ điển của bộ môn vĩ cầm (violin) từ lúc còn nhỏ rồi sau khi tốt nghiệp Quốc Gia Âm Nhạc ở Saigon, Luận nuôi mộng làm nhạc phim và được may mắn theo học và tốt nghiệp ngành nhạc phim, tiếng Anh gọi là ” film scoring”, tại UCLA. Luận thích sáng tác và viết hoà âm theo những âm điệu có những tiết tấu mới, không theo khuôn khổ thuần tuý mà mình vẫn nghe trước đây. Hầu hết những bài nhạc Luận soạn hoà âm có những âm giai và accords (chords) mà chị vẫn thường nghe trong các bài nhạc có âm hưởng nhạc jazz, blues và swing. Luận có viết hoà âm nhạc dân ca Việt “Trèo Lên Quán Dốc” theo thể điệu mới và những lần đi trình diễn cho quan khách Mỹ và Việt ai cũng thích thú. Các bạn trẻ sinh ra và lớn lên ở hải ngoại thì đa số không biết tiếng Việt, nhưng loại nhạc dân ca với âm hưởng và lối hoà âm mới vẫn thu hút được họ. Sau khi nghe Luận trình diễn có nhiều bạn trẻ đến nói với Luận là họ rất ngạc nhiên và hãnh diện vì dân ca Việt mang màu sắc quốc tế và phong phú.

 

Dạ Hương: Không thể chối cãi là con đường âm nhạc và những thể loại anh đeo đuổi nói nôm na là “không ăn khách”, điều đó có làm cho anh nản lòng không?

HCL: Khi Luận đã chọn con đường này thì Luận cũng biết sẽ gặp chông gai, nhưng khi đã là đam mê thì hình như âm nhạc không còn biên giới nữa. Luận chỉ biết soạn nhạc, viết hoà âm theo sở trường của mình thôi và vẫn tiếp tục tìm tòi, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với các đồng nghiệp với hy vọng là chất sáng tạo của mình không bị dừng lại mà luôn mang đến thính giả một âm hưởng mới, một cung điệu quyện vào được với tâm hồn của người nghe. Như Luận đã trình bày nghệ thuật, âm nhạc rất đa dạng, có những thể loại thính giả thích nhiều vì quen thuộc và cũng có những thể loại phải cần một thời gian để thính giả làm quen và sẽ thưởng thức với một thẩm âm khác hơn.

Dạ Hương: Điều gì thúc đẩy anh dày công khổ luyện để đem đến nhạc Việt một làn hơi mới, một lối hoà âm mới?
HCL: Luận đam mê âm nhạc và thích nhiều thể loại khác nhau nên đối với Luận, một bản nhạc có lời và giai điệu (melody) hay thì tự nó sẽ lôi cuốn người nghe. Nhưng một bản nhạc hay lại có phần hoà âm với tiết tấu và phối khí tao nhã,thanh lịch thì sẽ làm bản nhạc đó được tăng giá trị hơn. Luận xin đưa một ví dụ rất dễ hiểu là một người con gái đẹp khi được trang điểm hoàn hảo và mặc một chiếc áo được một nhà vẽ kiểu thiết kế tinh xảo thì sắc đẹp người con gái đó tăng phần sắc sảo, sang trọng đúng không chị? Công việc của Luận cũng như một nhà thiết kế mỹ thuật vậy. Vật liệu là những nhạc cụ, những giai điệu, cung bậc của note nhạc. Làm sao Luận dùng những vật liệu đó để dàn dựng cho một ban nhạc với nhiều
nhạc cụ khác nhau có những tiết tấu, cung bậc, cường độ mà người nghe cảm thấy như họ đang ngắm một bức tranh đẹp và đồng hành bên tai họ là những âm thanh làm xoa dịu nỗi đau hay nhớ về một kỷ niệm đẹp và cũng đôi khi làm cho họ cảm thấy vui nhộn muốn nhún nhảy theo một nhịp điệu nào đó thì đó là thành công của người đảm trách phần hoà âm.

Dạ Hương: Được biết trong chương trình Autumn Concert – Đêm Thu vào ngày 11 tháng 10 sắp tới, ngoài anh ra, tất cả các nhạc sĩ đều là người Mỹ. Anh có ngại thính giả phê bình người Mỹ chơi nhạc Việt sẽ không có âm hưởng Việt Nam hay không có hồn không?
HCL: Âm nhạc là một ngôn ngữ chung của cả thế giới “universal language” được kết tạo bằng những thanh âm và cung bậc. Nếu mình phân biệt như thế thì không công bằng. Chắc là các con của chị và độc gỉa có rất nhiều em nhỏ được cha mẹ cho đi học piano, violin, cello, guitar, trống, kèn …v…v… Khi các
em đến trường nhạc thì các em học nhạc và chơi nhạc chứ không ai phân biệt em này người Việt không được chơi nhạc Mỹ, nhạc Pháp và chỉ được chơi nhạc Việt. Nếu chúng ta phân biệt như thế thì lúc nhỏ Luận đã không được chơi những bản nhạc cổ điển của các nhạc sĩ lừng danh ngưởi Áo như Mozart, Schubert, người Ý như Paganini, và Beethoven là người Đức rồi. Nói đơn giản hơn là khi Luận viết hoà âm thì Luận dùng nhạc để viết nhạc và các nhạc sĩ thì cũng dùng dụng cụ nhạc để chơi nhạc thôi nên sự phân biệt này không chính xác lắm. Còn vấn đề chơi nhạc có hồn hay không là tuỳ ở người nhạc sĩ, khi họ muốn chơi nhạc hay thì bắt buộc họ phải thả hồn vào bản nhạc. Nếu người nhạc sĩ chơi nhạc không có hồn thì vì họ không có tài chứ không phải vì nhạc Việt, nhạc Mỹ, nhạc Pháp hay nhạc Ý gì cả.

Dạ Hương: Theo anh thì âm nhạc là một ngôn ngữ quốc tế “universal language”, thế thì các nhạc sĩ sẽ dựa trên một cơ bản nào để chuyển đạt được thanh âm Việt và chuyên chở được những ý nhạc của nhạc sĩ sáng tác?

HCL: Thưa chị, cơ bản là bài bản được biên soạn tinh tế cho từng nhạc cụ sao cho phù hợp với thể loại và giai điệu. Mình có thể biến đổi để phần hoà âm mang một sắc thái mới nhưng căn bản vẫn là giai điệu và lời nhạc có thích hợp với người nghe hay không.

Dạ Hương: Khi tôi đọc qua tiểu sử của các nhạc sĩ trong ban nhạc sẽ trình diễn trong đêm Autumn Concert – Đêm Thu, tôi ngạc nhiên vì họ toàn là những nhạc sĩ nổi tiếng đã từng đi trình diễn trên thế giới trong các shows truyền hình lớn ở Mỹ cũng như đọat giải thưởng cao qúi về thể loại nhạc jazz, blues và swing. Như vậy trong đêm đó thể loại nhạc jazz, blues và swing sẽ chiếm bao nhiêu phần trăm của chương trình? Còn lại là thể loại nhạc gì?

HCL: Luận sẽ bật mí một chút thôi. Phần còn lại thì để dành ngạc nhiên cho khán gỉa tham dự đêm đó nhé. Khán gỉa San Diego sẽ được nghe những bản nhạc Việt Nam bất hủ và nhạc ngoại quốc được trình tấu với đa dạng, phong cách, thể loại như: jazz, blues, swing và ballad. Đặc biệt, có những chủ đề (themes) từ nhạc phim nổi tiếng như “Cinema Paradiso” của Ennio Morricone. Ngoài ra, còn có nhạc của nhà thơ Trần Dạ Từ cùng những bản nhạc tình ca quen thuộc của các nhạc sĩ Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Lê Uyên Phương, Đăng Khánh và một số bài tình ca do Luận sáng tác và hoà âm. Các thành phần ca nhạc sĩ thì Luận nghĩ chỉ khi đến đó nghe và xem họ trình diễn thì khán giả mới có thể đánh giá được tài năng của họ.

Dạ Hương: Bây giờ bước qua phần các ca sĩ góp mặt trong đêm đó là Tuấn Ngọc, Thương Linh và Phạm Hà. Tuấn Ngọc thì quá quen thuộc và được giới hâm mộ ở San Diego biết đến nhiều, vậy chúng ta hãy nói nhiều một chút về Thương Linh và Phạm Hà. Hoàng Công Luận đã từng đệm đàn và gửi gấm những bài nhạc của anh sáng tác cho Thương Linh và Phạm Hà trình diễn trong thời gian vừa qua. Lý do gì anh mời hai ca sĩ này cùng góp tiếng hát trong đêm nhạc Autumn Concert?

HCL: Luận đã có dịp làm việc với Thương Linh và Phạm Hà trong các chương trình ca nhạc tổ chức ở Orange County và gần đây nhất là đêm nhạc thính phòng nhân dịp lễ Valentine’s vừa qua. Luận rất qúi tài và tinh thần làm việc của Thương Linh và Phạm Hà. Ngoài chất giọng đặc biệt, tính tình rất dễ thương cả hai ca sĩ này làm việc rất chuyên nghiệp. Khi Luận soạn hoà âm và đưa bài bản để tập dợt trước khi đến ráp với ban nhạc, hai người ca sĩ này luôn luôn bỏ thì giờ tập luyện và khi đến dợt thì họ rất kiên nhẫn và tập dợt rất kỹ càng. Họ tôn trọng các bạn đồng nghiệp, các nhạc sĩ trong ban nhạc và rất qúi trọng khán giả nên Luận rất vui khi Thương Linh & Phạm Hà nhận lời mời cộng tác với Luận trong chương trình ngày 11 tháng 10 sắp tới đây.

Dạ Hương: Đối với anh, chất giọng của Thương Linh và Phạm Hà khác với các ca sĩ trẻ hiện nay ở điểm nào?

HCL: Thương Linh có làn hơi rất mạnh và thanh âm ở cao độ trung. Đặc biệt là chất giọng rất nồng ấm nên Thương Linh chuyên chở thể loại nhạc Jazz rất hay. Như chị đã từng nghe Thương Linh hát, chị cũng công nhận với Luận là thể loại này đòi hỏi một chất giọng đặc biệt hơi “nhựa” ở cao độ vừa nhưng vẫn có nét sang cả, say mê đôi khi với thanh âm cao vút và có lúc trầm buồn, thương đau. Thương Linh được trời phú cho một đặc ân nữa là mặc dù qua Mỹ lúc còn rất nhỏ nhưng Thương Linh hát nhạc Việt rất có hồn và phát âm rất chuẩn giọng Bắc. Ở đây thì chúng ta có quyền bàn xem thế nào là có “hồn Việt” hay không vì hát tiếng Việt mà phát âm không chuẩn thì sẽ không ra nhạc Việt phải không chị? Cũng như một hoạ sĩ vẽ một bức tranh cô gái Việt mà có cặp mắt xanh và tóc vàng vậy. Riêng về Phạm Hà, anh được theo học thanh nhạc ở Hoa Kỳ và có một kỹ thuật hát cũng như phong cách trình diễn riêng biệt. Luận còn nhớ đêm Valentine’s Phạm Hà xuất hiện với Thương Linh trong nhạc phẩm “Con Đường Tình Ta Đi” được khán giả hoan nghênh lắm. Ngoài ra, Phạm Hà còn hát được tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Ý và tiếng Tây Ban Nha nữa. Chắc chị cũng đã nghe qua nhạc phẩm Unchained Melody nhiều lần rồi, nhưng khi Phạm Hà hát bằng tiếng Ý, mọi người có cảm tưởng như mình được nghe một ca khúc mới sáng tác và được liệt kê vào top hits của 2014. Khi anh chấm dứt phần trình bày đơn ca trong đêm đó thì có một số khán giả đứng bật dậy làm “standing ovation” vì họ ngạc nhiên và thích thú. Chắc chắn Phạm Hà cũng sẽ trình diễn nhạc phẩm này cho khán giả ở San Diego nghe trong đêm nhạc Autumn Concert tới đây.

Dạ Hương: Tôi được biết là anh Tuấn Ngọc đã tự soạn những bản nhạc rất đặc biệt với thể loại jazz và swing để trình diễn trong chương trình Autumn Concert – Đêm Thu. Hoàng Công Luận có thể cho biết lý  do tại sao anh Tuấn Ngọc dành cảm tình đặc biệt cho chương trình này? Như thế khác giả có dịp nghe những ca khúc quen thuộc mà đã đưa anh lên đài danh vọng không?

HCL: Anh Tuấn Ngọc là một ca sĩ chuyên nghiệp và tên tuổi, sự nghiệp của anh gắn liền với phong cách trình diễn, bài bản và chất giọng thiên phú. Rất nhiều người biết anh qua những nhạc phẩm tiền chiến và những ca khúc thịnh hành của Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Trịnh Công Sơn, Ngô Thuỵ Miên nhưng ít ai biết anh rất mê nhạc jazz, blues và swing. Khi anh nghe đến thành phần nhạc sĩ của ban nhạc anh rất hứng thú và đã giúp Luận soạn hoà âm và phối khí những bài bản đặc biệt để trình diễn trong đêm nhạc Autumn Concert.
Dĩ nhiên là anh Tuấn Ngọc cũng sẽ cống hiến đến khán giả ái mộ những bản nhạc mà đã đưa anh lên đỉnh danh vọng và được nhiều người yêu thích.

Dạ Hương: Hoàng Công Luận kỳ vọng gì ở khán giả San Diego?

HCL: Chị cho phép Luận nhắc đến tên một tài năng âm nhạc mới của cộng đồng San Diego đó là em Andrew Vũ Duy Ân. Vũ Duy Ân mới 14 tuổi nhưng rất xuất sắc trong bộ môn dương cầm. Em đã đi trình diễn nhiều nơi và đoạt nhiều giải thưởng cũng như học bổng âm nhạc ở Hoa Kỳ. Trong chương trình đêm Autumn Concert, em Vũ Duy Ân sẽ độc tấu dương cầm và cùng Luận trình diễn một bài nhạc mà Luận biết chắc rất nhiều người yêu thích đó là bản “Oblivion” của Astor Piazzolla. Ước vọng của Luận là mỗi thành phố Luận và các ca nhạc sĩ thân hữu đến trình diễn, Luận sẽ đi tìm tài năng mới của cộng đồng người Việt điạ phương để tạo điều kiện cho các tài năng trẻ và giới thiệu họ đến khán giả. Làm như vậy để giúp các em thích âm nhạc có dịp làm quen với sân khấu và đem khả năng âm nhạc của mình cống hiến cho mọi người. Luận không kỳ vọng gì ở khán giả hơn là mong mọi người đón nhận Luận cũng như các ca nhạc sĩ và những tài năng mới của cộng đồng San Diego với tấm lòng rộng mở.
Dạ Hương: Cám ơn Hoàng Công Luận rất nhiều đã cho tôi dịp được trò chuyện và học hỏi thêm được một ít kiến thức về âm nhạc. Bây giờ hành trang và vốn liếng âm nhạc của tôi có thêm được một màu sắc mới. Tôi nghĩ rằng tôi sẽ không là người duy nhất ngồi thưởng thức chương trình nhạc Đêm Thu và liên tưởng đến câu chuyện âm nhạc chúng ta trao đổi ngày hôm nay. Chúc anh và các ca nhạc sĩ thành công trong đêm đó.