Ngọc Lan/Người Việt
WESTMINSTER, Calif. (NV) – Ngày Chủ Nhật của tôi bắt đầu bằng việc nghe đi nghe lại giai điệu của “Scarborough Fair,” một bài dân ca Anh, qua giọng hát, tiếng đàn guitar của hai nhạc sĩ Hugh và Zeke, hòa cùng tiếng violin réo rắt của nhạc sĩ Hoàng Công Luận, mà tôi đã quay lại được từ trong chương trình “Thầy Tôi” diễn ra vào tối Thứ Bảy tại hội trường Việt Báo.
“Scarborough Fair,” sau này Phạm Duy đặt lời Việt – “Giàn Thiên Lý Đã Xa,” không hề xa lạ với nhiều thế hệ yêu nhạc Việt Nam. Thế nhưng, không hiểu sao, bài hát ấy, giai điệu ấy, tiếng đàn ấy trong đêm “Thầy Tôi” lại có sức cuốn hút đến kỳ lạ. Và hơn thế nữa, nó làm người nghe như bảng lãng trôi trong cõi nào đó của mình, rất riêng.
Bài hát là những lời nhớ thương da diết của một chàng trai gửi đến người yêu. Họ đã chia tay nhau, và giờ đây – ở một nơi xa, rất xa – chàng trai hát cho cô gái nghe. Chàng không oán than, trách móc, đau khổ mà chỉ khẳng định niềm tin, “Rồi cô ấy sẽ là tình yêu của tôi.”
Một người bạn tôi đã ví “Scarborough Fair” như kiểu chuyện tình trong “Lá Diêu Bông”. Nghĩa là tình yêu lãng mạn, êm đềm như giấc mơ kia mãi mãi chỉ là hy vọng, là một điều đã qua và không bao giờ trở lại, không bao giờ trở thành sự thật… Nhưng chàng vẫn tin, vẫn yêu người con gái ấy.
Giấc mơ của Hoàng Công Luận (bìa trái): Cùng bố, nhạc sĩ Hoàng Song Nhy (giữa) và các anh chị em chơi lại những bản nhạc của một thời đã xa (Hình: Ngọc Lan/Người Việt) |
Tôi như bị thôi miên trong khúc giang tấu của Hoàng Công Luận. Nghe, nhìn, và nhắm mắt, chìm trong những thanh âm được tạo nên bởi người có bàn tay phù thủy trên chiếc vĩ cầm. Để khi mở mắt ra, cũng là lúc tôi như hiểu một cách trọn vẹn nhất ý nghĩa của đêm “Thầy Tôi” mà anh, nhạc sĩ Hoàng Công Luận, đã góp công vun vén.
Ngoài ý nghĩa, “Đêm nhạc này tôi làm tặng bố mình, như một lời tri ân nhân ngày Father’s Day sắp tới. Vì bố vừa là bố, vừa là người thầy dạy nhạc đầu tiên cho tôi”, thì “Thầy Tôi” cũng chính là giấc mơ của Hoàng Công Luận, chàng nhạc sĩ có gương mặt thánh thiện như một hoàng tử, được quay trở lại những ngày của một thời rất xa, vào những đêm Giao Thừa, “mấy anh em tôi đều mặc quần áo đẹp, rồi mỗi người một nhạc khí, dưới sự điều khiển của bố Hoàng Song Nhy, cùng hát cùng đàn hết bản nhạc này đến bản nhạc khác.”
Hơn 40 năm rồi, Hoàng Công Luận đã có thể phần nào thực hiện ước mơ của mình: cùng với những anh chị em trong gia đình hòa tiếng đàn, tiếng hát. Trong đó, bố anh, nhạc sĩ Hoàng Song Nhy, từng là giáo sư dạy nhạc ở trường Sư Phạm Qui Nhơn trước 1975, ôm chiếc phong cầm (accordion) cùng các con dạo “Khúc Hát Thanh Xuân.”
“Mình đã chơi với nhiều nhạc công nổi tiếng ở Mỹ nhưng khoảnh khắc được chơi nhạc với bố có lẽ rất khó tìm lại được,” Hoàng Công Luận nói như chắt lòng.
Sự cố gắng đi tìm lại những ký ức, những hình ảnh ngày xưa của chàng nhạc sĩ cũng giúp người nghe có dịp thưởng thức lại những ca khúc của nhạc sĩ Hoàng Song Nhy, như Mưa Tháng Chín, Tàn Phai, Vì Sao Em Buồn, và đặc biệt là Chiều Trên Sông Daintree, để chợt nhận ra rằng ông cũng có những bản nhạc với ca từ, với giai điệu đẹp lung linh đến thế.
Ca sĩ Thương Linh trong đêm nhạc “Thầy Tôi” (Hình: Ngọc Lan/Người Việt) |
Tôi nói đêm “Thầy Tôi” là đêm của hoài niệm, còn là vì sự dẫn dắt lòng người trở về với những mông lung, nhung nhớ bởi hai giọng hát Tuấn Ngọc và Thương Linh.
“Ru đời đi nhé” được chọn làm ca khúc mở màn với chất giọng khàn của người ca sĩ trẻ Thương Linh đã tạo được cảm xúc “nương nhờ, lênh đênh” cho cả khán phòng. Để từ đó, người nghe khó mà cưỡng lại được việc thả cho lòng mình cứ buông trôi theo những cảm xúc mà các giai điệu, các ca từ của “Dĩ Vãng,” của “Kiếp nào có yêu nhau,” của “Diễm Xưa”… mang lại.
Tương tự như thế, người nghe bỗng như cố thở thật nhẹ, thật êm khi Tuấn Ngọc cất lên những câu đầu tiên của bài “Mắt biếc”
“Mắt biếc năm xưa nay đâu
Cánh sao còn đây tóc mây nào bay
Phố vắng mênh mang mưa rơi
Ước mơ nào nguôi tình đã phai rồi”
Để rồi như thấy lòng mình rưng rưng theo nhiều cung bậc khác nhau của những tâm sự mà các nhạc sĩ đã nói hộ bao người, qua “Nhạt nhòa,” qua “Đường em đi,” qua “Sài Gòn buồn cho riêng ai,” “Rồi mai tôi đưa em,” để “Chiều nay không có em”…
Ca sĩ Tuấn Ngọc trong đêm nhạc “Thầy Tôi” (Hình: Ngọc Lan/Người Việt) |
Trời càng khuya, gió càng lạnh, càng khiến cái day dứt của “Mắt lệ cho người” trở nên trĩu nặng hơn. Cuối cùng, “Nỗi lòng người đi” với tất cả thần thái của Tuấn Ngọc đã gom hết lại được cái lãng đãng, mông lung:
“Sài Gòn ơi! Mộng với tay cao hơn trời
Tôi hái hoa tiên cho đời để ước mơ nên đẹp đôi”
Tôi bước ra về. Đêm xuống sâu rồi. Và lạnh lắm. Khẽ giơ bàn tay với. Không biết đến bao giờ mới “cao hơn trời” nên ước mơ vẫn sẽ hoài là những mơ ước…
Thôi thì cứ quấn quýt trong đầu hình ảnh của chàng nhạc sĩ Hoàng Công Luận tì má bên chiếc vĩ cầm, cùng đôi bàn tay như múa lượn, nhảy nhót của Thân Trọng Uyên Phương trên cả bàn phím keyboard lẫn piano, để cùng nâng giọng hát cho Thương Linh, Tuấn Ngọc đã hay lại được nhiều phần đẹp hơn. Và người nghe, vì thế, cũng cảm thấy cuộc đời này có những khoảnh khắc thăng hoa hơn.