Tuesday, January 29, 2013 3:22:09 PM


An Khê

 

FOUNTAIN VALLEY (NV) – Kể từ khi lần đầu được nghe bài hát Cánh Hoa Xưa của nhạc sĩ Ðăng Khánh trong một quán café ở Sài Gòn, gần 15 năm sau tôi mới có dịp nghe hầu hết các nhạc phẩm của ông.

 

Nhạc sĩ Ðăng Khánh và phu nhân Phương Hoa. (Hình: Nhật báo Người Việt)

Và được nghe tại một không gian âm nhạc của Saigon Performing Art Center vào một buổi chiều Chủ Nhật ở quận Cam.

Ðây là một chương trình nhạc tình đặc biệt giới thiệu 20 ca khúc của nhạc sĩ Ðăng Khánh đến từ Houston, Texas với chủ đề “Sài Gòn Buồn Cho Riêng Ai” qua phần trình diễn của các danh ca Trần Thu Hà, Thu Phương, Bích Vân, Nguyên Khang và Tuấn Ngọc; và MC là nhạc sĩ Vĩnh Lạc.

Phần lớn chương trình âm nhạc được hòa âm phối khí và điều khiển bởi nhạc sĩ trẻ Hoàng Công Luận với sự cộng tác của ban nhạc The Brother Band.

Trong phạm vi bài viết này, tôi không đi làm công việc của những người viết về một chương trình nhạc hay về một ca sĩ, bởi lẽ sẽ có nhiều người làm công việc ấy hoàn hảo hơn tôi. Ở đây, tôi chỉ muốn ghi lại những cảm nhận chủ quan về mối tương quan âm nhạc giữa hai người là linh hồn của chương trình vừa qua: nhạc sĩ viết ca khúc Ðăng Khánh và nhạc sĩ soạn hòa âm phối khí Hoàng Công Luận.

Nhạc sĩ Ðăng Khánh không phải là một người xa lạ với giới âm nhạc ở hải ngoại, kể cả trong nước. Dù con số tác phẩm không nhiều so với tuổi đời và tuổi sáng tác, nhạc của Ðăng Khánh có chỗ đứng riêng. Ðặc biệt với những sáng tác gần đây nhất, cho thấy Ðăng Khánh vẫn là một trong những nhạc sĩ hiếm hoi ở hải ngoại vẫn còn sức sáng tạo rất cao.

Cấu trúc nhạc Ðăng Khánh là cấu trúc không cân phương. Có câu chỉ vài trường canh, và có câu lên đến cả mười ô nhịp. Nhưng nhìn tổng thể thì ca khúc của Ðăng Khánh hoàn toàn không mất cân đối. Bởi vì Ðăng Khánh là một nhạc sĩ đã qua nhiều trường lớp về sáng tác. Ông ý thức được điều mình viết, lại biết tìm tòi, thích học hỏi cầu thị, và nhất là biết khai phá để tìm đến cái thiện mỹ của nghệ thuật. Hơn thế nữa, dù không chủ ý phá cách trong việc phát triển motif âm nhạc mình, âm nhạc của Ðăng Khánh vẫn có những góc, những cạnh riêng để có thể đạt tới mức nghệ thuật cao trong lĩnh vực viết ca khúc.

Giai điệu của Ðăng Khánh thì có khi mềm như một “cánh hoa xưa,” hay nhẹ nhàng như một giọt “lệ buồn nhớ mi,” nhưng có lúc cũng dữ dội, ray rứt như một “biển sầu mênh mông.”

 

Phần mở đầu bài “Biển Sầu Mênh Mông” của Ðăng Khánh. (trích từ www.dangkhanhmusics.com)

Sau khi nghe hết 20 ca khúc của ông, khán giả cũng có thể nhận thấy rằng, khác với nhiều nhạc sĩ, Ðăng Khánh biết chắt lọc và tiết kiệm chất liệu âm nhạc. Cách tiến hành giai điệu của ông nghiêng về giai điệu của khí nhạc nên có vẻ như Ðăng Khánh thường dệt lời vào nhạc nhiều hơn các nhạc sĩ khác.

Cũng không lạ, bởi vì như thi sĩ Du Tử Lê đã nói, Ðăng Khánh là một thi sĩ của âm nhạc.

Thật sự, âm nhạc của Ðăng Khánh là âm nhạc của một người trí thức mang một tâm hồn thi ca. Ca từ của ông rất chắt lọc, có khi siêu thực nhưng cũng đôi lúc rất hiện thực.

Nhưng nếu nói đến Ðăng Khánh mà không nhắc đến nhạc sĩ Hoàng Công Luận thì quả là một thiếu sót lớn.

Hoàng Công Luận là bạn tri âm của Ðăng Khánh, mà theo lời ông, hai mái đầu xanh và bạc này đã biết nhau từ hơn một thập niên trước, khi cả hai còn cách xa nhau nửa vòng trái đất.

Hơn một thập niên trước, khi nhạc Ðăng Khánh đã được nghe ở Sài Gòn, thì tài năng hòa âm phối khí của Hoàng Công Luận cũng đã được biết đến ở hải ngoại, nhất là trong giới ca nhạc sĩ.

Và nếu nói Ðăng Khánh là thi sĩ của âm nhạc như Du Tử Lê đã ca tụng, thì Hoàng Công Luận quả thật là một họa sĩ tài hoa của nghệ thuật hòa âm phối khí ở hải ngoại mà chúng ta ít được thấy trong những thập niên gần đây.

Trên toàn bộ các phần hòa âm phối khí trong chương trình vừa qua, người nghe có thể nhận ra ở âm nhạc của Hoàng Công Luận một kiến trúc hòa âm rất chặt chẽ, nhiều tầng, nhiều lớp, nhiều kích, nhiều cỡ. Cách thức tiến hành hòa âm vừa cổ điển vừa tân kỳ, vừa có tính toán khoa học và vừa logic đến nỗi một người bạn nhạc sĩ Mỹ của tôi khi nghe phải hết lời cảm phục.

Một cách chắc chắn rằng, Hoàng Công Luận đã hiểu sâu sắc những chi tiết về bố cục, giai điệu, tiết tấu, chuyển điệu, và cả ca từ của Ðăng Khánh để có thể tạo được những hiệu quả âm nhạc với hòa âm của mình như thế.

Nói Hoàng Công Luận là chàng họa sĩ tài hoa của âm nhạc Việt Nam cũng không ngoa. Bởi vì anh đã dùng hòa âm của mình để pha những mảng màu cực đẹp lên tấm canvas giai điệu của Ðăng Khánh.

Ở đó, người ta có thể thấy được những mảng màu đậm và nhạt, những nét chấm và phá trong phối khí của anh. Và hơn hẳn thế, ta cũng có thể nhận ra những phá cách hữu ý của người nghệ sĩ tài năng này – những phá cách dường như rất tinh nghịch cho từng nhạc khí, cho từng giai điệu, và cho từng tiết tấu của âm nhạc được phối.

Thật sự, những phá cách đó là sáng tạo. Bởi vì Hoàng Công Luận đã đi vượt ra khỏi những qui luật, những khuôn phép có khi sáo mòn của lối hòa âm phối khí cổ điển.

Hay nói cho cùng, hòa âm phối khí của Hoàng Công Luận có nhiều cá tính.

Cái cá tính riêng đó đã dẫn dắt cho người nghe đi từ bờ vực của sự ngạc nhiên này đến bến bờ của sự thú vị khác qua từng ca khúc của Ðăng Khánh. Hoàng Công Luận phối “Ðừng Gọi Tên Em Nữa” đã lạ lùng, mà phối tango cho bài “Niềm Nhớ Thương” lại càng tuyệt hảo. Ðến độ, có ai đó trong chương trình đã gọi anh là một Ástor Piazzolla của người Việt!

 

Nhạc sĩ Hoàng Công Luận. (Hình: www.hoangcongluan.com)

Thật không sai để ghi nhận rằng hòa âm của nhạc sĩ Hoàng Công Luận thật sự là chất xúc tác làm thăng hoa âm nhạc của Ðăng Khánh trong chương trình vừa qua. Hay nói một cách khác, nếu âm nhạc của Ðăng Khánh đã đẹp theo chiều ngang, thì phần phối khí của Hoàng Công Luận đã làm cho âm nhạc của ông càng thêm mỹ miều theo chiều dọc.

Cái đẹp ngang-dọc tương đồng và xoắn xít ấy trong âm nhạc của cả hai nhạc sĩ Ðăng Khánh và Hoàng Công Luận chính là nhân tố làm cho chương trình “Sài Gòn Buồn Cho Riêng Ai” trở nên một chương trình có giá trị nghệ thuật cao về mặt âm nhạc, mà chúng ta hiếm được có tại hải ngoại.