Ngọc Lan/Người Việt

 

WESTMINSTER (NV) -Tôi nghe tên “Hoàng Công Luận” lần đầu tiên là trong chương trình “Khánh Ly – 50 năm ca hát” tổ chức tại nhà thờ Kiếng ở Orange County khi người bạn đi cùng bỗng vui mừng reo lên “Ồ, Hoàng Công Luận kìa!” và chạy đến xin chụp hình chung khi đêm nhạc đó kết thúc.

Lần khác, sau khi xem chương trình do “bầu sô” Dzũng Taylor tổ chức tại Saigon Performing Arts Center, một cô bạn của tôi đã viết trên Facebook của mình rằng “Trong suốt buổi, mình như bị thôi miên bởi anh chàng kéo violin!”

“Anh chàng kéo violin” mà bạn nói chính là người nhạc sĩ có gương mặt “baby” Hoàng Công Luận.

Cứ vậy, từng lúc tôi nhận ra rằng: người mê nhạc ở đây đang bị “quyến rũ” bởi tay violin này, khi họ truyền tai nhau “chương trình này hay đó, có Hoàng Công Luận đó!”

Sự yêu thích của khán giả đối tiếng đàn violin của người nhạc này càng được khẳng định khi chương trình Đêm Nhạc Thính Phòng Hoàng Công Luận diễn ra vào lúc 7 giờ tối Thứ Sáu, 14 Tháng Hai, 2014 tại Hội Trường Việt Báo mừng ngày Lễ Tình Nhân đã hoàn toàn sạch vé.

 

Nhạc sĩ violin Hoàng Công Luận. (Hình: Hoàng Việt Khanh cung cấp)

 

Hành trình đến với âm nhạc
Hoàng Công Luận gần gũi, dễ mến, vui tính và cởi mở nhiều hơn là tôi nghĩ (mà cũng không hiểu sao tự dưng tôi lại có suy nghĩ là những người chơi nhạc cổ điển thì cũng “cổ kính” và khó gần!)

“Bố Luận là nhạc sĩ Hoàng Song Nhi, nên từ nhỏ, 7 anh em Luận đều được bố dạy đàn.” Hoàng Công Luận bắt đầu câu chuyện “con đường đến với âm nhạc” của mình.

Năm lên 6, Luận “bị bắt” học đàn mandolin,” trong khi đó thì các anh chị của Luận, người được bố dạy guitar, người piano, người đàn tranh, người thổi harmonica… “Luận nhớ lúc đó, khi anh em còn nhỏ, nheo nhóc, xum vầy, cứ đến giờ Giao Thừa thì mỗi đứa mỗi nhạc cụ cùng hòa tấu mấy bài nhạc Xuân của Phạm Duy, trong tiếng pháo, trong mùi hương trầm. Giờ vẫn còn không khí Tết, ngồi đây nghĩ lại thấy nhớ quá!” Luận tâm sự.

Lớn lên trong môi trường đầy tiếng nhạc đó, nhưng chỉ có Hoàng Công Luận là người duy nhất trong các anh chị em đi theo con đường âm nhạc chuyên nghiệp.

Nhạc sĩ vĩ cầm này cho biết, “Sau khi đậu vào trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn, Luận theo học chương trình violin hệ đại học rồi đến cao học. Trong thời gian đi học, Luận đã tham gia chơi trong dàn nhạc giao hưởng Symphony Orchestra của Sài Gòn cũng cả 10 năm.”

Tuy nhiên, sau khi học xong chương trình cao học năm 1997 thì Hoàng Công Luận “quyết định dứt ngang ở đó, rẽ qua một bước ngoặt khác.”

Lý do?

“Bởi vì lúc đó mình cảm thấy nếu suốt đời cứ chơi nhạc cổ điển, đánh trong dàn nhạc thì mình cũng chỉ là một người nhạc công. dù rằng nhạc cổ điển hay nhưng mà sức sáng tạo riêng cho mình, sân chơi cho mình không có tự do. Nhạc cổ điển rất giới hạn, và khổ luyện, nó như một xã hội thu nhỏ, trong đó tất cả mọi người phải làm việc rất chuyên nghiệp và rất kỷ luật trên chiếc đũa của người nhạc trưởng. ” Luận lý giải.

Chính từ suy nghĩ này, Hoàng Công Luận “dừng cuộc chơi” để bước qua con đường khác: làm một studio riêng ở Sài Gòn, nhận hòa âm, làm nhạc, và hướng đến nhạc phim – “loại nhạc khiến Luận đam mê.”

“Nhạc phim giống như sân chơi đòi hỏi ở mình sự am hiểu rộng lớn. Để viết được nhạc phim thì phải biết tất cả các thể loại, từ ca khúc tới nhạc cổ điển, rock, jazz, đương đại,… Nghĩa là mình phải học tất cả.” Luận giải thích.

 

Từ nhạc cổ điển chuyển sang học nhạc phim

 

Để “thỏa mãn” cho câu hỏi “tại sao mình không được học nhạc phim để biết được tất cả các thể loại?”, năm 2006, từ Sài Gòn, Hoàng Công Luận khăn gói lên đường sang tận… California, vào trường Đại Học Los Angeles (UCLA) để học chương trình nhạc phim trong hai năm.

Hài lòng với những gì học được từ nhà trường, sách vở về lãnh vực nhạc phim, nhưng giữa lý thuyết nhà trường và kinh phí thực tế đầu tư cho nhạc phim không hoàn toàn giống nhau, nên nhạc sĩ này tạm bằng lòng với những gì hiện có để tiếp tục nuôi hoài bão, đam mê của mình.

Luận đùa, “Học nhạc phim nhưng ra trường tấm bằng nhạc phim không hiệu quả tấm bằng PHO.”

“PHO” mà Luận nói đến chính là nhà hàng Phở Olivia do anh làm chủ ở gần trường Calstate Fullerton.

Luận chia sẻ, “Với mình, nhạc quảng cáo, nhạc trí tuệ, nhạc bác học, ai muốn gọi sao cũng được, nhạc nào cũng hay hết. Luận có nhiều cơ hội được chơi với nhiều ban nhạc khác nhau, được đệm đàn cho nhiều ca sĩ khác nhau, được làm nhạc phim hay việc chơi với nhiều ban nhạc của Mỹ ở đây đều khiến Luận cảm thấy thích vì đó luôn là cơ hội để mình học hỏi, để mình có nhiều những trải nghiệm khác nhau trong đời sống của mình. Đó là điều hạnh phúc và thú vị nhất của người nhạc sĩ. Còn chuyện làm nhà hàng là trách nhiệm mình phải làm. Nó là nơi nuôi bao tử để cho cái đầu mình bay bổng trong thế giới của âm nhạc.

Nhạc sĩ Hoàng Công Luận cho biết, anh hiện là nhạc sĩ “freedland”, “ai gọi đâu đánh đó,” nhưng cộng tác nhiều nhất là với ban nhạc The Brothers Band của nhạc sĩ Ngọc Trác và Hoàng Bảo đệm đàn trong các chương trình của trung tâm Thúy Nga, ban nhạc của nhạc sĩ Hoàng Thi Thi đệm cho các chương trình do Ritz Entertainment tổ chức, hay chơi đàn cho các chương trình của DD Entertainment…

Không chỉ vậy, trong một số chương trình từ thiện, người xem cũng nhìn thấy sự tham gia của Hoàng Công Luận, khi mê đắm tựa cằm trên chiếc violin, khi thả hồn trên những phím đàn piano.

Anh đùa, “Violin là một trong những loại nhạc cụ khó chơi nhất, không nhiều người chơi violin ở đây nên nhìn qua nhìn lại chỉ có mình nên họ hay mướn mình thôi.”

Trong khi đó, với khán giả, sự có mặt của anh luôn mang lại cho người nghe một cảm giác hạnh phúc vì họ biết chắc chắn một điều rằng mình đang được thưởng thức “văn hóa chơi nhạc” đúng nghĩa.

 

 
 Nhạc sĩ Hoàng Công Luận. (Hình: Hoàng Việt Khanh cung cấp)

 

Hoàng Công Luận và Đêm Nhạc Valentine’s

 

Đó một chương trình âm nhạc thính phòng đặc sắc trong một không gian ấm cúng, trữ tình qua tiếng đàn vĩ cầm và dương cầm điêu luyện của nhạc sĩ Hoàng Công Luận, cùng sự góp mặt của ca sĩ Thương Linh, Phạm Hà, pianist Daniel Vũ, tay trống Evan Stone và tay đàn double bass David Miller.

Trong chương trình này, như Hoàng Công Luận cho biết, sẽ có mặt những ca khúc anh từng viết, nhưng “hứng lên viết ra đó, rồi vứt đó, cũng không dám nhờ ai hát hay mướn ai hát vì mướn thì không có tiền, nhờ thì cũng ngại, cứ nghĩ đó là những phần cảm xúc trong đời sống của mình, nay nhờ sự khuyến khích của một nhóm bạn thân hữu, mình mang ra trình diễn.”

“Mục đích của chương trình này là nhằm biến đêm Valentine thành đêm thưởng thức âm nhạc, một bữa tiệc nhạc, nhưng mang tính ‘relax’ thư giãn nhiều hơn, chứ không phải là một đêm nhạc gì ghê gớm để phô diễn hay hù dọa, đem hết những sở học của mình ra để khoe.” Anh cười nói thêm về đêm nhạc mang tên Hoàng Công Luận.

Trong đêm này, khán giả sẽ được nghe người nhạc sĩ tài hoa Hoàng Công Luận “kéo violin solo nhiều hơn, nhiều bài hòa tấu hơn. Mình cũng chơi nhiều bài nhạc Việt như Diễm Xưa, nhưng viết lại cho những người bạn Mỹ chơi cho vui hơn, hay viết lại các bài Se Chỉ Luồn Kim hay Trèo Lên Quán Dốc có mùi nhạc jazz hay rock để chơi ở đầu chương trình nhằm tạo nên một màu sắc khác.”

Đêm Valentine’s vào lúc 7 giờ tối Thứ Sáu, 14 Tháng Hai, 2014 tại hội trường Việt Báo, 14841 Moran St. Westminster, CA 92683, hứa hẹn sẽ mang lại những điều thú vị nhất cho những ai từng bị mê hoặc bởi tiếng đàn và gương mặt Hoàng Công Luận.

Liên lạc tác giả: [email protected]